Thuê thám tử tư, phải biết “chọn mặt gởi vàng”

, Thuê thám tử tư, phải biết “chọn mặt gởi vàng”

Dịch vụ thám tử tư ngày càng nở rộ dưới danh nghĩa công ty cung cấp thông tin, công ty bảo vệ… Nhiều người muốn biết bí mật của người khác đã thuê thám tử nhưng do không biết “chọn mặt gởi vàng” nên “tiền mất tật mang”.

 

Nhận tiền rồi… hẹn

Tháng 1/2018, chị Trần Khánh Tâm (ngụ Hai Bà Trưng, Q.3) liên hệ với công ty thám tử tư M (Tân Bình) với yêu cầu theo dõi chồng do nghi ngờ ngoại tình, nhân viên đề nghị khách hàng kể rõ sự việc.

Từ thông tin này, nhân viên này hứa trong vòng một tuần sẽ cung cấp hình ảnh, clip liên quan đến mối quan hệ thực sự của chồng với mức giá 8 triệu đồng, tạm ứng trước 4 triệu (50% giá trị hợp đồng). Đúng hẹn chị Tâm đến văn phòng thám tử tư M thì nhân viên của công ty viện nhiều lý do khó khăn rồi hẹn lần hẹn lữa. Ngày 11-4-2018, chị Tâm tìm đến công ty thám tử B nhưng không gặp được ai.

Còn bà Minh (nhà ở Trần Quang Diệu, Q.3) tìm đến công ty thám tử tư TB (Gò Vấp), khách hàng cho biết muốn tìm hiểu nhân thân vị hôn phu của con mình. Nghe xong, nhân viên yêu cầu cung cấp họ tên, số điện thoại, chỗ ở của người này, hứa sau một tuần sẽ tìm ra quê quán, hộ khẩu, công việc đang làm, đã từng có vợ chưa… Thế nhưng gần 2 tháng trôi qua, phía công ty B vẫn không thực hiện đúng cam kết, trong khi tiền tạm ứng đã thu gần 10 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, hầu hết các “công ty” thám tử yêu cầu khách đưa trước 50% giá trị hợp đồng. Các “thám tử tư” tự xưng từng là sĩ quan hoặc học nghề thám tử “theo tiêu chuẩn quốc tế” nên “bí mật cỡ nào cũng moi ra được”. Thực tế nhiều “công ty” trưng dụng cả… “thám tử xe ôm” vào việc làm ăn của mình.

Phải “chọn mặt gởi…niềm tin”

Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM), các hợp đồng ký kết giữa khách hàng và thám tử để theo dõi người khác thường có nội dung chung chung, nhằm tạo niềm tin cho hai bên. Hợp đồng dạng này khó thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo điều 117 Bộ luật dân sự. Do đó, các bên liên quan không nên xem hợp đồng này là căn cứ duy nhất khi có tranh chấp xảy ra.

Mặt khác, việc thuê thám tử theo dõi nhau chưa được pháp luật quy định rõ ràng, chưa có các tiêu chí pháp lý hay quy chế đạo đức nghề nghiệp nên khó có căn cứ để đánh giá về sự chuyên nghiệp, hiệu quả hoặc sự an toàn.

Còn theo ông Đỗ Thế Thọ, phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Cung cấp thông tin K&K Accord (63 Phùng Văn Cung, P.2, Q. Phú Nhuận) cho biết, hiện nay các dịch vụ thám tử tư xuất hiện khá nhiều nhưng đa số làm ăn theo kiểu chụp giựt, “treo đầu dê bán thịt chó”. Trong khi đó, những người có nhu cầu không biết “chọn mặt gởi vàng” nên ‘tiền mất tật mang”.

“Trước khi tìm đến văn phòng thám tử tư nào đó, khách hàng nên tìm hiểu kỹ công ty đó có pháp nhân, có địa chỉ cụ thể, rõ ràng hay chỉ là văn phòng ảo; năng lực chuyên môn đến đâu… Nên chọn những đơn vị có úy tín và tránh chuyện hẹn hò ra quán cà phê rồi giấm dúi ký hợp đồng chớp nhoáng mà không cần tư vấn…” – ông Thọ cho biết.